Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ tư, 1/4/2015, 16:56 (GMT+7)

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vắng bóng công nhân

Được cho phép thi công trở lại sau hàng loạt sự cố, tuy nhiên phần lớn các nhà ga tuyến đường sắt trên cao, Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) vắng bóng công nhân làm việc, sắt thép phủ bạt và hoen rỉ dù đang được coi là chậm tiến độ.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài 13 km, gồm 12 nhà ga, đi qua các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và Hà Đông. Dự án có tổng mức đầu tư 891 triệu USD tương đương (18.000 tỷ đồng). Cuối năm 2014, sau hàng loạt sự cố sập giàn giáorơi bó thép, toàn bộ các hạng mục dự án bị dừng thi công. Đến đầu năm 2015, Bộ Giao thông đã cho phép thi công trở lại trên toàn tuyến với mục tiêu đưa dự án hoàn thành vào cuối năm nay. Tuy nhiên theo ghi nhận việc thi công trên toàn tuyến diễn ra rất chậm chạp, thậm chí có điểm không có bóng dáng của công nhân. Điển hình như khu depot (sửa chữa và dịch vụ) ở Yên Nghĩa, Hà Động rộng 12 hécta vẫn chỉ là những bãi đất trống.

Điểm đầu của dự án từ phía Hà Nội, tại nhà ga Cát Linh công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa được hoàn tất, lác đác công nhân và máy móc đang làm việc. Các điểm nhà ga La Thành, Thái Hà và đường Láng cũng trong tình trạng vắng bóng công nhân, vật liệu xây dựng, sắt thép được phủ bạt. Theo anh Quân, tài xế xe ôm cạnh nhà ga La Thành cho biết "hơn hai tháng nay, cả ban ngày lẫn buổi tối không có máy móc làm việc liên tục như năm ngoái mà thi thoảng có một số công nhân đến, rồi lại đi".

Đoạn qua nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển cũng trong tình trạng tương tự. Khu vực này chưa được lắp dầm, trong khi công trường thi công nút giao bốn tầng bên dưới diễn ra khá nhộn nhịp.

Dọc tuyến Nguyễn Trãi - Trần Phú, Quang Trung đến ga Yên Nghĩa hầu hết các nhà ga như Đại học Quốc Gia, bến xe Hà Đông, La Khê...đều trong tình trạng án binh bất động, ngoài một vài bảo vệ canh gác ở cổng thì phía trong công trường không một bóng công nhân. 

Hầu hết sắt thép, vật liệu xây dựng vẫn trong tình trạng phủ kín bạt. 

Nhiều điểm khác, những thanh thép đã qua xử lý được chất thành từng đống trong công trường, phần lớn đã hoen rỉ.

 

Ga Thanh Xuân 3, cạnh trường đại học Y học cổ truyền Việt Nam trên đường Nguyễn Trãi, gần nơi xảy ra sự cố sập giàn giáo và rơi bó thép, là một trong số ít điểm công nhân tiếp tục thi công và có giám sát trực tiếp theo dõi. 

Theo quan sát, 3 công trường thi công nhà ga trên đường Nguyễn Trãi, Trần Phú, chiếm hết phần lòng đường, các phương tiện phải chui phía dưới. Trong khi đó, việc gia cố, đảm bảo an toàn so với trước đây không cải thiện nhiều vì phía dưới những thanh dầm vẫn là những tấm lưới mỏng.

Nhiều đoạn đã bị rách vì trước đó bị lửa hàn xì bắn vào. Lý giải nguyên nhân của sự ì ạch này, những nhà thầu phụ thi công các nhà ga cho hay họ bị thụ động vì mỗi lần muốn làm trở lại thì từ khâu chuẩn bị hồ sơ đến thi công phải được sự đồng ý của phía Tổng thầu EPC Trung Quốc. Hiện nay, để thực hiện các quy trình họ đều phải gửi văn bản sang Trung Quốc. "Hơn nữa thủ tục lòng vòng, đi qua đường công văn, mất rất nhiều thời gian", một chỉ huy công trường nói.

Một nguyên nhân khác cũng khiến hầu hết các nhà thầu phụ trên tuyến Cát Linh - Hà Đông gặp khó khăn là bị Tổng thầu EPC nợ tiền thực hiện dự án. Như gói đổ xà mũ trụ nhà ga, Tổng thầu đang nợ Công ty cổ phần Sông Đà 6,25% tổng chi phí thi công; còn Xí nghiệp cầu 17 - Cienco1 là 10%...

Nhộn nhịp nhất trên toàn tuyến là khu vực nhà ga cạnh bến xe Yên Nghĩa, Hà Đông. Tại đây hệ thống máy móc được huy động và làm việc cả ngày lẫn đêm.

Đây là điểm đầu từ phía Hà Đông của dự án nhưng việc đổ các trụ bê tông vẫn chưa được hoàn thiện. 

Trước thực trạng, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông ì ạch nguy cơ không cán đích đúng tiến độ, ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông) cho hay, nguyên nhân chính là do Tổng thầu còn lơ là, thiếu trách nhiệm, lực lượng kiểm soát thi công mỏng, năng lực yếu kém, phó mặc cho các đơn vị thầu phụ tự thực hiện.

Ban Quản lý dự án đường sắt đã nhiều lần phê bình, nhắc nhở và ban hành các văn bản cảnh cáo nhưng đến nay tình hình vẫn chưa được cải thiện. Trong quá trình thi công vẫn còn để xảy ra nguy cơ gây mất an toàn.

Theo ông Thành, Ban quản lý vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông và Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc - tổng thầu dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, về việc thực hiện các cam kết bảo đảm an toàn, chất lượng, đẩy nhanh tiến độ dự án.

Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Hồng Trường, đại diện Chủ đầu tư dự án cũng cho rằng Tổng thầu Trung Quốc năng lực kém và làm việc không chuyên nghiệp, nên đã để xảy ra một số vụ tai nạn nghiêm trọng. Việc này đã làm dự án không đạt tiến độ đặt ra, nhiều hạng mục đã dừng 3 tháng. 

Ông Trường nhấn mạnh, "chủ đầu tư đã yêu cầu phía Trung Quốc thay Tổng giám đốc dự án và Trưởng tư vấn giám sát và đến nay hai vị trí này đã có nhân lực mới". Ngoài ra Bộ Giao thông cũng yêu cầu Tổng thầu gấp rút đưa người trở lại Việt Nam và nhận được lời hứa sẽ có thêm 100 kỹ sư, điều hành sang Việt Nam thực hiện dự án trong những ngày tới.

Bá Đô - Giang Huy