Thứ sáu, 18/10/2019, 20:00 (GMT+7)

7 giờ vào lớp, nhưng cổng trường mầm non xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng thường mở từ tờ mờ sương. Trẻ con ở đây dậy từ 4, 5 giờ sáng, sau đó tự đi bộ đến trường. Dáng người nhỏ nhắn của các em lấp ló sau đám cỏ dại, khi len qua con dốc chỉ đủ nhét vừa 2 chân, qua thêm con đường lồi lõm có đến 3 rãnh đất xẻ sâu là đến lớp.

Điểm trường mầm non nằm trên lưng chừng núi, cô giáo Diễm kiêm luôn làm "gác cổng". 3 năm quen với việc này, nhưng mỗi khi gương mặt lũ trẻ hiện ra sau cánh cổng, với cô là một khoảnh khắc khó quên. Những đứa trẻ đi học tay không, dắt toòng teng chiếc túi nilong đựng mèn mén hay cơm trắng. Có đứa cuốc bộ giữa mùa đông 17 độ, trần truồng, cô hoảng hồn nhìn đôi chân tím ngắt của nó rồi hớt hải xốc ngay vào bếp sưởi.

Khai giảng năm nay trùng với chợ phiên. Cô Diễm mở cổng từ 5 giờ, vì đoán nhiều nhà sẽ gửi con sớm để qua chợ. Phần vì háo hức gặp học trò sau 3 tháng hè. Nhưng cũng vì một sự kiện làm cô hồi hộp thêm. Đoàn thiện nguyện của GrabFood và dự án Nuôi Em sẽ đến mang quà, tài trợ cơm cho học sinh trong lễ khai giảng sáng nay. Các cô gọi đó là bữa cơm lịch sử, lần đầu đến với xã nghèo Thạch Lâm.

Trẻ miền núi có một loại "đồng phục" đặc trưng, không phải quần áo, mà là những đôi dép tổ ong ngả vàng. Chỉ vài nghìn đồng, đó là món đồ mới hiếm hoi mà chúng có cho ngày khai giảng.

Xã Thạch Lâm có 16 điểm trường mầm non, đa số nằm cheo leo trên núi. Những con đường độc đạo dẫn vào trường gồ ghề đất sỏi, xẻ thành 3, 4 rãnh sâu, chặn đứng mọi loại bánh xe. Dép tổ ong trở thành thứ vũ khí xông pha lợi hại. Những đôi dép nứt nẻ, rãnh xẻ sâu, tòe đế, ố màu, được đặt dưới những bàn chân tí hon dính đất, cáu bẩn.

Từ chân trần quanh cánh đồng, con suối gần nhà, những đôi chân được trang bị dép tổ ong là một bước trưởng thành. Con đường mới để kiếm cái chữ sẽ xa hơn, nhiều thử thách hơn.

Những chiếc bát bóng loáng, mới tinh trước mặt khiến các em nhỏ ở điểm trường mầm non Khau Ràng, xã Thạch Lâm bỡ ngỡ. Thay vì túi nilon, lá chuối có mèn mén, cơm trắng, cá khô nguội ngắt mỗi trưa, các em thích thú sờ vào bát mới có: bí đỏ, thịt, cơm, đầy miệng và nóng hổi. Cái chạm bát có phần lóng ngóng vì kích thước nó quá khổ với bàn tay. Có chiếc thìa bị bỏ quên, nhiều em dùng tay không bốc lên lia lịa, vì trước đó chỉ quen bốc cơm trắng bọc trong lá.

Lũ trẻ xúc lên từng thìa đầy miệng, mải ăn không nói. Âm thanh roàn roạt của thìa khua vào đáy bát thành ngôn ngữ biểu thị niềm vui. Đó là bữa cơm đầu tiên mà đoàn thiện nguyện GrabFood mang đến những ngôi trường miền núi ở Cao Bằng. Những suất cơm trị giá 8.500 đồng này, có lẽ là bữa trưa ấm bụng nhất của lũ trẻ Khau Ràng từ trước đến nay, trong ngày đầu năm học mới.

... Là tin đầu tiên các thầy cô hồ hởi thông báo khi tỏa vào bản vận động gia đình cho con em đi học. Cái ăn là lý lẽ "ưng cái bụng" nhất so với bất cứ biện pháp thuyết phục nào. Nghe đến bữa cơm nuôi giá 8.500 đồng, có thịt, có rau được tài trợ, nhiều gia đình nhanh chóng gật đầu.

Lên 4 tuổi, Hoàng Thị Lỷ đón năm học mới này với nhiều lạ lẫm. Vẫn là con đường đi học quen, nhưng từ nay không còn ai dắt Lỷ tới trường. Sau một cơn đau dữ dội không báo trước, bố em đột ngột qua đời hồi năm ngoái. Đám ma tổ chức chóng vánh vào một ngày giáp Tết, trong ánh mắt ngơ ngác của đứa trẻ chưa hiểu chuyện sinh tử trên đời.

2 tháng sau, mẹ Lỷ đi lấy chồng, bỏ lại ruộng đất để không. Mẹ giờ cách Lỷ một quả đồi, mỗi tháng một lần thăm chốc lát. Căn nhà đất cheo leo trên núi, đồ đạc trống không nay chỉ còn hai chị em ở với nhau. 13 tuổi, chị gái Hoàng Thị Hoa thành trụ cột của gia đình.

Trên con đường núi tróc lở, gồ ghề, Lỷ vẫn ngày ngày đi bộ tới trường. Mái trường có cái ăn là nơi vỗ về, trú ẩn của rất nhiều đứa trẻ như Lỷ, mồ côi hoặc bị bỏ mặc, để tự lớn lên như cỏ dại.

"Lũ trẻ được ăn no, không phải nghỉ học hay ôm bụng đói về nhà kiếm cái ăn giữa trưa, đối mặt với nhiều hiểm nguy rình rập", cô Nguyễn Thị Nghiêm, chủ nhiệm lớp mầm non Khau Ràng nói. Hành trình đến với con chữ vì thế gần hơn, đỡ gập ghềnh hơn."

Hơn ai hết, các thầy cô cắm bản hiểu rằng, một bữa cơm no là phần nào giải quyết bài toán về giáo dục, để các em tới trường đều đặn, mở ra hi vọng về một tương lai tươi sáng, thoát nghèo.

Điểm trường Khau Ràng, nơi Lỷ và nhiều em bé khác đang theo học đón khai giảng bằng không khí "khai bếp" rạo rực cho bữa cơm đầu tiên. Trước đó một tuần, một cô được cắt cử đến trường trung tâm tập huấn cách nấu bữa cơm tập thể, tính toán nguyên liệu ra sao, cách bảo quản, lưu mẫu thức ăn, chọn thực đơn xen kẽ thế nào. Các phụ huynh "huy động" 5 chiếc xe thồ bát đĩa, xoong nồi, máy xay... chở về từ điểm trường chính, đóng chạn, bày lên ngay ngắn. Số khác địu củi chất sau bếp sẵn sàng. Khai giảng năm nay được "trang hoàng" bằng 2 cái chảo, 5 cái xoong, bộ bát đũa cho 40 cháu.

Đúng 10h30 sáng, bữa cơm đầu tiên của năm học mới bắt đầu. Lũ trẻ ngồi quây thành 4 bàn tròn, hướng ánh nhìn vừa lạ lẫm, vừa mong ngóng về góc lớp - nơi các cô tất bật chia thức ăn vào từng bát. Có cơm nóng và đồ ăn ngon, bát đến tay là lũ trẻ xúc vội vàng. Tiếng thìa quẹt vào bát rào rào. Thực đơn hôm nay có canh rau ngót, bí đỏ, thịt băm.

Sau 15 phút, 5 em đầu tiên ăn hết chạy đến xin thêm cơm. Từng tốp khác cũng nhanh chóng ào ra "khu tiếp viện". Các cô dạy lũ trẻ xếp thành hàng theo thứ tự, khoanh tay nói "Con xin bát cơm" - quy tắc đầu tiên được dạy trong bữa cơm nuôi đầu tiên.

"Đây là bữa đầu tiên có thịt, rau đầy đủ nên các con ăn ngon lành", cô Nghiêm đứng ở góc lớp ngắm nhìn thành quả và gọi đây là "bữa cơm lịch sử". Hoàng Thị Lỷ là trường hợp cô lo lắng nhất, nhưng từ nay, bữa cơm, mái trường sẽ là nơi che chở em khi cha mẹ không còn.

"Năm học này, đoàn GrabFood sẽ trao tặng 117.000 bữa ăn để hỗ trợ cơm trưa ngay tại trường. 600 em nhỏ thuộc 16 điểm trường trên địa bàn xã, và tiếp theo là toàn tỉnh Cao Bằng được nuôi ăn trưa trong 9 tháng năm học mới", cô Nghiêm nói.

Như vậy, cộng với mức hỗ trợ của Nhà Nước ở một số điểm trường, mỗi suất ăn giờ tăng lên 8 nghìn rưỡi. Điều đó có nghĩa, bữa cơm của các em sẽ thêm thịt, thêm rau. Thêm một bữa ăn no, thêm giấc ngủ ngon là góp phần nuôi lớn một mầm non trên hành trình tới với con chữ, thoát nghèo.

Năm học mới có cơm của những đứa trẻ miền núi
 
 

"Thạch Lâm là một trong những xã nghèo nhất, xa trung tâm nhất của tỉnh Cao Bằng. 96% dân số là người Mông. Với tập tục còn lạc hậu, cuộc sống của người dân, các em học sinh nơi đây còn nhiều khó khăn và thiếu thốn." - ông Triệu Văn Thực, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Cao Bằng chia sẻ.

Mang đến bữa cơm cho hàng nghìn trẻ em nghèo vùng biên viễn, đại diện GrabFood cho biết: "Với học sinh vùng sâu, vùng xa khó khăn, một bữa cơm no là thứ các em thực sự cần. Chúng tôi muốn đóng góp cho cộng đồng những giá trị thực sự hiệu quả, bền vững. Màu xanh của GrabFood từ thành thị sẽ tiếp tục lan tỏa tới các bản làng, đến những cộng đồng còn gặp khó khăn. Màu xanh công nghệ sẽ đóng góp cho cuộc sống thêm tốt đẹp".

Ngày 5/9, hơn 22 triệu học sinh nô nức dự lễ khai giảng năm học 2019-2020. Trong tưng bừng của trống, của cờ hoa, còn đâu đó lẩn khuất những vùng xa trên đất nước lễ khai giảng giản đơn, niềm vui bình dị từ những bát cơm có thịt.

Trong không khí "Toàn dân đưa trẻ đến trường", có những đứa trẻ như Hoàng Thị Lỷ, hay hàng nghìn em bé vùng cao, vẫn một mình tự đi trên những con đường tới lớp gồ ghề sỏi đá.

Những bữa ăn 8 nghìn rưỡi nơi mảnh đất rẻo cao, trở thành thứ đưa các em bám trường bám lớp, để hành trình đến với con chữ không còn xa, thắp lên hi vọng về một ngày mai tươi sáng.